Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Bắt giữ thêm 45 người từ Trung Quốc vượt sông nhập cảnh trái phép

Chỉ trong một buổi chiều, lực lượng biên phòng Quảng Ninh phát hiện 2 vụ với 45 người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam qua các đoạn sông biên giới.

Sáng 31/7, thông tin với PV VTC News, Chỉ huy Đồn Biên phòng Bắc Sơn (Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa phát hiện bắt giữ 45 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Cụ thể, khoảng 18h15 ngày 30/7, tại khu vực Mốc 1364 (2) + 200, thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn (Móng Cái, Quảng Ninh), trong khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, Tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Bắc Sơn phát hiện một nhóm 29 người Việt Nam đang có hành vi nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về nước qua sông biên giới.

Nhóm 29 người nhập cảnh trái phép bị Tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Bắc Sơn bắt giữ.

Ngay trong tối cùng ngày, Đồn Biên phòng Bắc Sơn lấy lời khai ban đầu và chuyển toàn bộ số người nhập cảnh trái phép nêu trên về khu vực cách ly tập trung của TP Móng Cái.

Trước đó, khoảng 15h20 cùng ngày, cũng tại khu vực này, lực lượng của Đồn Biên phòng Bắc Sơn cũng phát hiện bắt giữ nhóm 16 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua sông biên giới và bàn giao cho lực lượng chức năng tổ chức cách ly theo quy định.

Theo Chỉ huy Đồn Biên phòng Bắc Sơn cho biết, trong những ngày gần đây, đơn vị liên tục phát hiện, xử lý các vụ việc người nhập cảnh trái phép qua các đoạn sông biên giới, sau đó đi theo đường mòn cũ vào khu vực biên giới.

Đến 30/7, số lượng người nhập cảnh có chiều hướng tăng lên, mật độ dày hơn và tổ chức thành đoàn, nhóm có số lượng đông. Ngay lập tức, đơn vị đã tăng cường tuần tra chốt chặn tại các đường mòn và toàn bộ dọc sông biên giới, xử lý triệt để không để lọt người nhập cảnh trái phép vào nội địa.

Video: Bắt giữ hàng chục người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam

MINH KHANG

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Dỡ phong tỏa tại ngõ 466 Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ

(HNMO) - Ngày 30-7, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại ngõ 466 Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, hàng rào phong tỏa tạm thời đã được dỡ bỏ và cuộc sống người dân khu vực này trở lại bình thường.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm Y tế quận Tây Hồ cho biết, bệnh nhân 459 sau khi đi Đà Nẵng về chỉ ở trong nhà, không tiếp xúc với bất cứ người dân nào ở xung quanh. Trung tâm Y tế quận Tây Hồ cũng đã điều tra 18 trường hợp F1 có liên quan đến bệnh nhân và tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm, đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Ghi nhận sáng 30-7, sau khi các trường hợp F1 được đưa đi cách ly tập trung, rào chắn phong tỏa tạm thời được tháo bỏ tại ngõ 466 Hoàng Hoa Thám, nơi bệnh nhân 459 sinh sống sau khi toàn bộ khu vực được phun khử khuẩn. Người dân được khuyến cáo giữ khoảng cách khi giao tiếp và đeo khẩu trang thường xuyên. Lực lượng chức năng cũng đã tiến hành khảo sát 50 hộ dân, với khoảng 200 nhân khẩu sinh sống, đều được xác nhận không tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Trước đó vào tối 29-7, các lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời ngõ 466 Hoàng Hoa Thám và một số ngõ nhỏ lân cận thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ sau khi ghi nhận bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Reuters: Việt Nam bật chế độ "phản ứng toàn diện" với Covid-19

Với hơn 95 triệu dân, tính đến ngày 30-7, Việt Nam có tổng cộng 464 ca mắc Covid-19 và là quốc gia đông dân nhất thế giới chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Theo Reuters, thành công chống dịch bước đầu giúp Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu nới lỏng lệnh giãn cách xã hội hồi tháng 4. Sau đó, các quán bar mở cửa trở lại và đám đông tụ tập trên đường phố như bình thường. Nhiều trận đấu bóng đá cũng diễn ra.

Thêm vào đó, Việt Nam tái mở cửa ngành du lịch nội địa.

Công nhân xây dựng Việt Nam đến bệnh viện nhiệt đới sau khi trở về từ Guinea Xích đạo hôm 29-7. Ảnh: Reuters

Đề cập tới công cuộc khống chế dịch Covid-19 hiệu quả, Reuters cho rằng đó là nhờ Việt Nam tăng cường xét nghiệm và truy vết nhanh hơn nhiều so với các nước láng giềng, đồng thời đưa hàng chục ngàn người đi cách ly nếu họ bị nghi ngờ tiếp xúc với bất kỳ ai mắc bệnh hoặc đến từ nước ngoài.

Trong 100 ngày tính đến hôm 25-7, Việt Nam không ghi nhận sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Những biện pháp này đang được áp dụng trở lại sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 kể từ lúc lệnh giãn cách xã hội nới lỏng - là một người đàn ông 57 tuổi đến từ TP Đà Nẵng. Tiếp đến, ít nhất 30 trường hợp bị phát hiện dương tính với Covid-19 xung quanh Đà Nẵng và những trường hợp khác ở thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Chủng virus SARS-CoV-2 lần này không giống loại virus được phát hiện ở Việt Nam trước đó, cho thấy nó bắt nguồn từ nước ngoài thay vì bùng phát ở nội địa. Tuy nhiên, chưa xác định được nguồn lây nhiễm mới. Bộ Y tế Việt Nam cho biết một trường hợp mắc Covid-19 gần đây – là công dân Mỹ - biểu hiện triệu chứng của bệnh tại Đà Nẵng hôm 26-6. Dịch Covid-19 quay lại Việt Nam cùng lúc với việc phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Hiện tại, Việt Nam đã đình chỉ tất cả chuyến bay đến và đi từ Đà Nẵng trong 15 ngày. Chính quyền TP Hà Nội thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm hàng loạt cho tất cả 21.000 người trở về từ Đà Nẵng, đóng cửa các quán bar và cấm tụ tập đông người. Tới chiều 30-7, TP HCM cũng có bước đi tương tự.

Phạm Nghĩa (Theo Reuters)

Việt Nam chính thức đăng cai AFC Cup 2020

Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) vừa chính thức công bố Việt Nam sẽ là thành viên đăng cai hai bảng đấu F và G của AFC Cup 2020.


Các trận đấu còn lại của bảng F và G sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 29-9-2020. Trong đó, các trận bảng F thi đấu tại sân Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), còn bảng G được tổ chức ở sân Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Địa điểm tổ chức các trận đấu của bảng H sẽ được công bố trong thời gian tới, trong khi các trận đấu của vòng bán kết và chung kết khu vực ASEAN Zone cũng được xác nhận sau khi có kết quả bốc thăm ngày 27-8 tới tại trụ sở AFC.

Cũng trong thông báo của mình, AFC công bố Maldives là nước chủ nhà của bảng E, nơi có các đội Nam Á thi đấu vòng bảng AFC Cup. Bảng E sẽ thi đấu từ ngày 23-10 đến 4-11. Đội đứng đầu bảng sẽ đại diện cho khu vực Nam Á đá trận bán kết Liên khu vực diễn ra vào các ngày 24 và 25-11-2020.

Hiện tại, hai đội bóng Việt Nam tham gia giải đấu này là Câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh và Than Quảng Ninh đang có nhiều lợi thế để vào vòng tiếp theo.

Sau 3 lượt trận đầu tiên, Câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh đang tạm xếp đầu bảng F với cùng 7 điểm nhưng hơn Câu lạc bộ Yangon Utd (Myanmar) về chỉ số phụ. Câu lạc bộ Than Quảng Ninh (4 điểm) đứng nhì bảng G, kém đội đầu bảng Ceres Negros (Philippines) 3 điểm.

Theo điều lệ giải, ở vòng loại, chỉ các đội đầu bảng và 3 đội nhì có thành tích tốt nhất khu vực Đông Nam Á giành quyền đi tiếp.

AFF Suzuki Cup 2020 dời lịch thi đấu vì dịch Covid-19

Cùng ngày, Ban xử lý các tình huống khẩn cấp của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) tiếp tục có cuộc họp trực tuyến để thảo luận về giải pháp, phương án tổ chức AFF Suzuki Cup 2020.

Trước những diễn biến của đại dịch Covid-19, AFF Cup 2020 có thể được dời sang tháng 4-2021 nhằm bảo đảm an toàn. Các thành viên đã thống nhất và đề xuất này sẽ được trình Hội đồng AFF để xem xét, thông qua.

Liên quan đến kế hoạch hoạt động của đội tuyển Việt Nam, trong trường hợp AFF Suzuki Cup 2020 dời sang năm 2021 như đề xuất của Ban xử lý các tình huống khẩn cấp của AFF, Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn cho biết, VFF sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) để luôn chủ động trong công tác chuẩn bị của đội tuyển cho các trận đấu tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, dự kiến sẽ được tổ chức vào khung thi đấu tháng 10 và tháng 11 của FIFA.

Đồng thời, kế hoạch tập trung của đội tuyển cũng sẽ được điều chỉnh trong điều kiện cho phép, tùy theo tình hình diễn biến của dịch Covid-19.

Mỹ truy tố giáo sư đại học liên quan tới chính phủ Trung Quốc

(PLO)- Mỹ truy tố một giáo sư tại ĐH Arkansas với 44 tội danh lừa đảo và có các mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.

Báo South China Morning Post đưa tin vào ngày 28-7, Mỹ tiến hành truy tố một giáo sư đã bị đình chỉ công tác tại ĐH Arkansas về tội lừa đảo và gian lận hộ chiếu.

Tại tòa án TP Fayetteville, bang Arkansas, ông Simon Saw-teong Ang đã bị truy tố với 44 tội danh, bao gồm giấu diếm quan hệ chặt chẽ với các công ty và chính phủ Trung Quốc trong khoảng thời gian nhận tài trợ của chính quyền liên bang Mỹ.

Bản ghi chép lời khai của ông Ang cho biết: "Ông Siman Ang đã đưa ra các bản tường trình sai sự thật và không báo cáo các việc làm bên ngoài có liên quan tới chính phủ Trung Quốc cho trường đại học Arkansas. Điều này giúp ông giữ được vị trí giáo sư đại học đồng thời nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ để hỗ trợ nghiên cứu".

Giáo sư đại học Arkansas Simon Ang. Ảnh: AP

Sau khi các đặc vụ liên bang bắt giữ ông Ang vào ngày 8-5, ĐH Arkansas đã đình chỉ vị giáo sư 63 tuổi này và bãi nhiệm vị trí giám đốc của ông tại Trung tâm nghiên cứu điện tử mật độ cao (HiDEC).

Vào thời điểm bị bắt giữ, chính quyền liên bang cho biết ông Ang không tiết lộ các mối liên hệ của mình trong đơn xin cấp tài trợ nghiên cứu từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Việc không minh bạch trong vấn đề tài chính đối với NASA và trường đại học là hành vi lừa đảo qua đường dây điện tín liên bang.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã điều tra các trường cao đẳng và đại học trên toàn nước Mỹ nhằm cố gắng ngăn chặn hành vi trộm cắp công nghệ và bí mật thương mại quốc gia từ các nhà nghiên cứu do phía Trung Quốc chỉ định.

Các quan chức Mỹ lo ngại rằng những sinh viên đại học và nghiên cứu sinh nước ngoài là những mục tiêu đặc biệt hay bị Trung Quốc nhắm tới trong nỗ lực đánh cắp công nghệ từ phía Mỹ.

Tinh hình dịch bệnh trên địa bàn Đà Nẵng ‘rất nguy cấp’

Bài trên báo Tiền Phong: Tinh hình dịch bệnh trên địa bàn Đà Nẵng ‘rất nguy cấp’

TPO - Tối ngày 30/7, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch


Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan để xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, khả thi về tăng cường năng lực truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị bệnh; lưy ý, cần có các mốc mục tiêu phù hợp với lộ trình thực hiện. Chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm diện rộng phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh và khả năng, nguồn lực đáp ứng của thành phố (phấn đấu năng lực xét nghiện đạt 3.500 - 4.000 mẫu/ngày). Khẩn trương công bố kết quả xét nghiệm F1 để giãn áp lực F2.

Có kế hoạch, đăng ký nhu cầu cụ thể để Bộ Y tế, các Bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố biết và hỗ trợ Đà Nẵng về công tác phòng chống dịch. Có phương án huy động các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn đồng hành với thành phố trong phòng, chống dịch, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo thực hiện.

Thành lập Hội đồng mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch do Giám đốc Sở Y tế làm chủ tịch Hội đồng; sớm trình UBND thành phố quyết định mua sắm theo quy định.

Khẩn trương di chuyển các bệnh nhân tại Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng về Bệnh viện Hòa Vang, trang bị thêm đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế và các nguồn lực cần thiết tại Bệnh viện Hòa Vang để chữa bệnh, giảm áp lực cho Bệnh viện Đà Nẵng hiện nay.

Công an thành phố được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan chỉ đạo tổ chức và thực hiện lại các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các vị trí cửa ngõ ra vào thành phố theo đúng quy định tại Quyết định số 50 ngày 26/3/2020 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng. Thời gian bắt đầu thực hiện từ 8 giờ ngày 31/7.

UBND các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn được giao chủ trì, phối hợp với Sở Y tế đề xuất UBND thành phố quyết định thuê thêm một số khách sạn để thực hiện cách ly theo phương án đã chỉ đạo. Đảm bảo việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm tại khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn. Thiết lập khu vực trung chuyển (vùng đệm) để tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các khu vực cách ly, phong tỏa; yêu cầu khu vực trung chuyển phải đảm bảo quy định về phòng, chống dịch.

Ngoài ra, UBND thành phố yêu cầu, từ 0h ngày 31/7, dừng thi công tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố cho đến khi có thông báo mới. Đối với các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố, UBND các quận, huyện chỉ đạo việc tăng thời gian họp chợ, siêu thị so với bình thường; kiên quyết bảo đảm giãn cách xã hội tại chợ theo quy định; tăng cường các biện pháp kiểm tra việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khử khuẩn trước khi vào, ra chợ, siêu thị.

Đối với hoạt động tại Cảng cá Âu thuyền Thọ Quang, giao UBND quận Sơn Trà phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an và các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra, thông báo phân luồng tàu, thuyền vào - ra, bảo đảm tàu thuyền vào bốc dỡ hàng hóa xong là đi ngay, không lưu trú. Hoạt động tại Cảng cá Âu thuyền Thọ Quang phải đảm bảo giãn cách giữa người với người theo quy định, giữa tàu, thuyền với tàu thuyền. Bảo đảm đo thân nhiệt, khử khuẩn, mang khẩu trang và các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định.

Tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhân 35 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 5 người là bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc tại các bệnh viện.

Hiện Đà Nẵng đang phong toả khu vực 3 bệnh viện và tiến hành cách ly xã hội toàn thành phố để dập dịch COVID-19.

NGUYỄN THÀNH

TP.HCM tạm dừng hoạt động quán bar, vũ trường từ 0h ngày 31/7

UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu tạm dừng các sự kiện như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo không cần thiết..., bắt đầu từ ngày 31/7.

Quán bar, vũ trường và các hoạt động tụ tập đông người không cần thiết ở TP.HCM sẽ bị tạm dừng từ 0h ngày 31/7. Ảnh minh họa

Chiều 30/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa ký công văn khẩn về việc tạm dừng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo văn bản, TP.HCM tạm ngưng tổ chức các sự kiện như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo không cần thiết như quán bar, vũ trường...

Chính quyền TP.HCM khuyến cáo người dân hạn chế tụ tập đông người tại tiệc cưới, tang lễ. Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, bên ngoài trường học, bệnh viện.

Tổ chức đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào đối với tất cả mọi người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác các cơ quan, đơn vị. Với các cuộc họp, yêu cầu người dự họp phải đeo khẩu trang, hạn chế bắt tay, trao đổi ở cự li gần. Tiến hành vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, các đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp.

Đối với các hoạt động mang tính cấp thiết của ngành y tế như tổ chức hiến máu nhân đạo cần phải được tiếp tục, các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chủ động và tự giác trong công tác phòng dịch.

Thời gian áp dụng các biện pháp nêu trên bắt đầu từ 0h ngày 31/7 cho tới khi có thông

UBND TP.HCM đề nghị các ngành, cấp chính quyền không được chủ quan, lơ là, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Người đứng đầu chính quyền 24 quận, huyện tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn mình và rà soát phương án, kế hoạch phòng dịch trong tình hình mới.

Hoa Vũ (T/h)

Trong tình thế cấp bách, CSGT có quyền huy động phương tiện của dân mà không cần xin phép Bộ trưởng

Khoai@

Thông tư 65/2020 của Bộ Công an, có hiệu lực từ 5/8/2020 tới đây có nhiều điểm mới, trong đó có quy định, CSGT được quyền huy động phương tiện của dân trong trường hợp cấp bách và không cần có sự chấp thuận của Bộ trưởng Công an.


Đây là điểm mới so với quy định năm 2016. Theo quy định từ năm 2016, CSGT có quyền trưng dụng phương tiện và phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Công an. Quy định phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng khiến cho nội dung này chỉ tồn tại trên giấy mà không thể đi vào cuộc sống, làm ảnh hưởng tiêu cực tới việc xử lý các tình huống khẩn cấp. Mặt khác, quy định trưng dụng phương tiện cũng xung đột với  Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và các Luật khác.

Với quy định mới này, từ 5/8, cảnh sát giao thông sẽ chuyển từ trưng dụng sang huy động dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản và không cần có sự chấp thuận của Bộ trưởng.

Việc thay đổi từ trưng dụng sang huy động phương tiện là để phù hợp với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và các Luật khác. Quy định mới này sẽ giúp cảnh sát rút ngắn thời gian xử lý các tình huống khẩn cấp, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp có nguy cơ gây hại cho xã hội do không phải trải qua các thủ tục hành chính rườm rà.

Với trường hợp cảnh sát huy động phương tiện, người dân, tổ chức buộc phải hợp tác để ngăn chặn vi phạm có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Nếu người dân cố tình chống đối, gây cản trở quá trình truy đuổi sẽ bị xử lý theo từng mức độ từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định là rõ ràng, song nếu cảnh sát lạm quyền, vi phạm sẽ bị xử lý từ cảnh cáo đến đưa ra khỏi ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu như việc huy động gây thiệt hại, hư hỏng phương tiện, thì người dân có quyền yêu cầu bồi thường, áp dụng theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Diva Hồng Nhung và 2 con đã về Việt Nam, thực hiện cách ly 14 ngày

Diva Hồng Nhung thông báo cô và hai con hiện đang ở khu cách ly sau khi trở về từ Mỹ.


Được biết, sau khi về Việt Nam, Hồng Nhung và 2 con thực hiện cách ly 14 ngày tại doanh trại quân đội 244 tại Uông Bí, Quảng Ninh.


Bên cạnh đó, nữ ca sĩ tiết lộ thêm sẽ sớm trở lại sân khấu trong ngày 16/8 tới trong chương trình Áo Lụa Hà Đông do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt nam tổ chức. Hồng Nhung bày tỏ cô háo hức được gặp gỡ khán giả sau chặng cách ly xã hội dài nhất từ trước đến nay.

Trước đó, Hồng Nhung dự định sang Mỹ chơi 2 tuần nhưng vì dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp nên cô cùng hai bé Tôm- Tép bị kẹt tại Mỹ hơn 5 tháng. Trong thời gian đó, Hồng Nhung cùng các con nghỉ ngơi tại nhà và thường chia sẻ những khoảnh khắc đời thường trên trang cá nhân.

Cách đây không lâu, thông qua ca sĩ Tùng Dương, Hồng Nhung cũng đã ủng hộ 500 bộ quần áo để chống dịch Covid-19 tại nước nhà.

Hồng Nhung gửi đơn đăng ký lên lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ để xin về bằng chuyến bay nhân đạo. Sau thời gian dài chờ đợi, đêm 27/7, Hồng Nhung cùng các con đã về đến Việt Nam, chuyến bay đáp tại Vân Đồn.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Bộ Tư pháp Mỹ mô tả hoạt động của hai gián điệp mạng Trung Quốc

Bùi Thư

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chuyên gia an ninh mạng nói rằng các gián điệp mạng của Trung Quốc vừa hoạt động vụ lợi cá nhân vừa phục vụ chính phủ.

Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong thời gian gần đây liên quan tới một loạt vấn đề: chiến tranh thương mại; Mỹ cáo buộc Trung Quốc giấu thông tin về dịch bệnh khiến virus corona lây lan; Trung Quốc xâm hại quyền tự trị của Hong Kong; hoạt động gián điệp của Trung Quốc nhằm ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ…

Trong số những vấn đề này, cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ có một lịch sử lâu dài, với nhiều vụ việc nổi cộm. Mới đây nhất, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội hai công dân Trung Quốc tham gia một chiến dịch gián điệp mạng nhằm vào các mục tiêu là nhà thầu quốc phòng, trung tâm nghiên cứu Covid-19 và hàng trăm nạn nhân khác trên toàn cầu.

Hoạt động gián điệp

Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ hôm 21/7 cho biết hai công dân Trung Quốc Li Xiaoyu (Lý Tiểu Ngọc), 34 tuổi, và Dong Jiazhi (Đổng Gia Chí), 31 tuổi, tham gia các hoạt động tin tặc từ hơn một thập niên qua. Li và Dong là bạn cùng lớp thời học đại học tại Thành Đô. Mục đích của các chiến dịch mạng mà hai người này tham gia thực hiện là đánh cắp bí mật thương mại, dữ liệu về thiết kế vũ khí, thông tin dược phẩm, mã nguồn phần mềm và dữ liệu cá nhân.

Theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, các hoạt động gần đây nhất của nhóm này nhằm vào các nghiên cứu về ung thư và Covid-19.

Bộ Tư pháp Mỹ không nêu tên các công ty, tổ chức bị tấn công, nhưng hàng loạt nạn nhân được xác định có trụ sở tại các tiểu bang California, Maryland, Washington, Texas, Virginia và Massachusetts. Trong năm nay, nhóm tin tặc Trung Quốc cũng tấn công một công ty về trí tuệ nhân tạo của Anh, một nhà thầu quốc phòng Tây Ban Nha và một công ty năng lượng mặt trời của Úc, theo cáo trạng.

Các công ty của Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ... và nhiều quốc gia khác cũng là mục tiêu của các vụ xâm nhập.

Luật sư công tố William Hyslo nói rằng có "hàng trăm nạn nhân như vậy ở Mỹ và trên thế giới". Còn đặc vụ Raymond Duda, người đứng đầu cơ quan điều tra của FBI tại Seattle, cho biết nhóm của Li và Dong là "một trong những nhóm có hoạt động đánh cắp dữ liệu nổi bật nhất" mà cơ quan của ông từng điều tra. Đặc vụ Duda tiết lộ hai công dân Trung Quốc đã đánh cắp bí mật kinh doanh trị giá hàng triệu USD và tống tiền ít nhất một tổ chức.

Lệnh truy nã Li Xiaoyu và Dong Jiazhi trên trang web của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI)

Cũng theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, khi bùng phát dịch virus corona, hai công dân Trung Quốc nói trên đã tham gia đột nhập nhằm đánh cắp nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 tại một công ty công nghệ sinh học tại tiểu bang Massachusetts. Cáo trạng không cho biết cụ thể mức độ thành công của các hoạt động do tin tặc Trung Quốc thực hiện.

Các công tố viên Mỹ cho rằng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc có thể đã cung cấp cho tin tặc thông tin về những lỗ hổng của các phần mềm quan trọng để phục vụ cho hoạt động xâm nhập và thu thập thông tin tình báo.

Đây không phải là lần hiếm hoi Mỹ tố cáo Trung Quốc hoặc truy tố những người được cho là có liên quan đến Trung Quốc tham gia hoạt động gián điệp công nghệ, đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Hồi tháng 5, FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ từng cảnh báo các tin tặc có liên quan đến chính phủ Trung Quốc đang nhắm vào mục tiêu là các tổ chức nghiên cứu vaccine ngừa virus corona.

Trung Quốc không phải là chính phủ duy nhất quan tâm đặc biệt đến các mục tiêu dạng này. Trong năm nay, Mỹ, Anh và Canada đã ban hành một tuyên bố chung bất thường, trong đó nêu rằng tin tặc Nga cũng đang nhằm vào các công ty và phòng thí nghiệm đại học thực hiện nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19.

'Có sự trợ giúp từ chính phủ'

Đại diện công ty an ninh mạng FireEye của Mỹ nói rằng qua nhiều năm theo dõi, họ đã phát hiện được nhiều nhóm tin tặc có liên hệ với Trung Quốc. Hoạt động của các nhóm này thường nhằm vào mục tiêu có thể thu lợi về tài chính hoặc mục tiêu mà chính phủ quan tâm.

Về vụ Li Xiaoyu và Dong Jiazhi, bà Cristiana Kittner, chuyên gia thuộc bộ phận phân tích nguy cơ gián điệp Mandiant của FireEye, nói với BBC News Tiếng Việt: "Mandiant đã theo dõi hoạt động liên quan đến các gián điệp mạng có quan hệ với Trung Quốc này trong nhiều năm. Chúng tôi không thể xác nhận các nạn nhân cụ thể nhưng các yếu tố được mô tả trong bản cáo trạng phù hợp với lịch sử hoạt động của các nhóm mà chúng tôi đã ghi nhận. Mặc dù chỉ có hai cá nhân được nêu tên trong cáo trạng, có khả năng nhóm này còn có sự trợ giúp khác".

Trước đó, Ben Read, nhà phân tích đến từ bộ phận Mandiant của FireEye, nhận định với BBC: "Bản cáo trạng cho thấy các chính phủ, bao gồm cả Trung Quốc, cực kỳ coi trọng thông tin liên quan đến Covid-19. Đây là một mối đe dọa chính đối với tất cả các chính phủ trên thế giới và chúng tôi cho rằng các nhà tài trợ cho hoạt động gián điệp mạng đang ưu tiên vào thông tin liên quan đến phương pháp điều trị và vaccine". Ông Ben Read cũng cho biết Mandiant đã theo dõi nhóm này kể từ năm 2013.

"Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã dựa vào các nhà thầu để tiến hành tấn công mạng. Việc sử dụng cộng tác viên cho phép chính phủ thu hút được các nhân tài đang hoạt động tự do, đồng thời khi xảy ra chuyện họ cũng dễ dàng chối bỏ sự liên quan. Mô hình được miêu tả trong cáo trạng là các nhà thầu thực hiện hoạt động gián điệp mạng vì lợi ích của chính phủ tài trợ và vì lợi ích của chính họ. Điều này phù hợp với những phát hiện của chúng tôi về các nhóm liên quan tới Trung Quốc, chẳng hạn APT41", ông Ben Read nói.


Các mục tiêu tấn công không mang lại lợi ích kinh tế cụ thể cho tin tặc, nhưng có thể mang lại lợi ích cho chính phủ, ở đây có thể là các tổ chức nhân quyền, các cơ quan an ninh nước ngoài… Tạp chí Wired cho biết sau khi đột nhập bất thành vào hệ thống máy tính của một tổ chức nhân quyền tại Myanmar, Li đã nhận được sự trợ giúp từ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc để hoàn tất nhiệm vụ này.

Bà Cristiana Kittner cho biết thêm: "Có một vài nhóm khác nhau, bao gồm APT41, đã kết hợp hoạt động có mục đích thu lợi tài chính và các hoạt động phục vụ cho chính quyền tại Trung Quốc. Chúng tôi đã theo dõi họ và thực hiện báo cáo nội bộ cũng như cung cấp báo cáo về họ cho các khách hàng trong giới tình báo".

Trước câu hỏi của BBC News Tiếng Việt về cơ chế hợp tác giữa các nhóm tin tặc với chính phủ Trung Quốc, bà Cristiana Kittner nhận định: Chúng tôi không biết cơ chế chính xác mà các nhóm này tương tác với chính phủ. Chúng tôi chỉ thấy một số hoạt động dẫn đến lợi ích tài chính và một số thông tin không có giá trị tài chính nhưng được chính phủ quan tâm".

FireEye chính là công ty mới đây đã phát hiện các hoạt động đánh cắp thông tin của các tin tặc được cho là đến từ Việt Nam nhằm vào cơ quan phụ trách chống dịch Covid-19 của Trung Quốc.

'Câu lạc bộ đáng xấu hổ'

Việc Bộ Tư pháp Mỹ ra cáo trạng nhằm vào công dân Trung Quốc như thêm dầu vào đám lửa đang cháy trong quan hệ hai nước, với hàng loạt diễn biến trầm trọng, nổi cộm nhất là việc hai bên đóng cửa các cơ quan ngoại giao của nhau.

Báo Washington Post dẫn lời ông John C. Demers, Giám đốc Ban An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, nói: "Giờ đây, Trung Quốc đã chọn cho mình một chỗ đứng, cùng với Nga, Iran và Bắc Triều Tiên, trong câu lạc bộ đáng xấu hổ gồm tập hợp các quốc gia cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm mạng. Đổi lại, những kẻ tội phạm này luôn sẵn sàng được huy động để phục vụ lợi ích nhà nước, ở đây là sự thèm khát vô độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ và các công ty không phải của Trung Quốc khác, bao gồm cả nghiên cứu về Covid-19". Ông Demers đánh giá các tin tặc này là mối đe dọa lớn đối với mạng máy tính Mỹ và các nước khác.

Chính phủ Trung Quốc thường xuyên phủ nhận việc họ tiến hành hoặc tài trợ cho các vụ đột kích vào mạng của nước ngoài với mục đích gián điệp kinh tế.

Ông John C. Demers, Giám đốc Ban An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ

Bản cáo trạng là bước đi mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump, với lập trường ngày càng quyết liệt chống lại hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc và tham vọng của cường quốc châu Á trong việc thay thế Mỹ dẫn dắt nền kinh tế công nghệ cao toàn cầu.

Mỹ cũng không ngừng vận động các đồng minh gây sức ép lên Trung Quốc về một loạt vấn đề. Hồi đầu tháng 7, Anh đã mang lại một chiến thắng đáng kể cho Mỹ bằng cách tuyên bố loại gã khổng lồ công nghệ Huawei khỏi mạng 5G non trẻ của mình.

Bản cáo trạng là một phần trong sáng kiến của Bộ Tư pháp Mỹ, được đưa ra vào năm 2018, ưu tiên chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia từ Trung Quốc. Theo bản cáo trạng, bằng cách ăn cắp tài sản trí tuệ, các công ty Trung Quốc có thể sao chép công nghệ và tiến đến đánh bại các đối thủ phương Tây.

Chuyện bình thường mà không bình thường

Khoai@

Báo đăng "Một Phó Bí thư Huyện ủy và một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) khóa XVI không trúng cử Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tây Giang khóa XVII". 


Trong bầu bán thì chuyện ủng hộ hay không ủng hộ ứng viên nào đó là bình thường. Và chuyện một ông Phó Bí thư huyện ủy hay Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra không đủ phiếu vào cấp ủy là bình thường. Dĩ nhiên, chuyện này với Tiểu ban nhân sự của Đại hội lại là chuyện không bình thường. Nó cũng cho thấy nhiều vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo khi  chuẩn bị Đại hội. Từ khâu chuẩn bị nhân sự, làm công tác chính trị tư tưởng... cho đến việc tổ chức bầu cử là chưa tốt.

Có rất nhiều lý do để ứng viên bị gạch tên, có thể do không đủ tín nhiệm (khách quan), ứng viên không gương mẫu, có nhiều tiêu cực, khuất tất..., có thể do phe cánh (cảm tính hoặc lý tính), cũng có thể do người bầu cứ gạch bừa hoặc muốn có nhân tố mới thay thế nhân tố cũ nhàm chán.... 

Dù lý do nào đi nữa thì kết quả ấy cũng cho thấy một điều, không khí Đại hội là dân chủ. Tuy nhiên, kết quả của "dân chủ" trong bầu bán kiểu như ở Tây Giang chưa chắc đã là trái ngọt hoa thơm.

Ông Nguyễn Minh Hiếu đã chủ động lên làm việc với cơ quan chức năng

(CAO) Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty TNHH Đầu tư - Khai thác Hanh Nguyên Lợi và Công ty TNHH Gia Việt Khánh Hưng.

Qúa trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra phát thông báo truy tìm các đương sự là Phạm Như Viễn Châu (SN 1976, HKTT 410/7A Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3); Vương Bảo Uyên (SN 1974, HKTT 47/2/47A Bùi Đình Túy, P.24, Q.Bình Thạnh) và ông Nguyễn Minh Hiếu (SN 1967, hộ chiếu số 488387077 do Hoa Kỳ cấp ngày 5/12/2012, chỗ ở 22 Nguyễn Văn Đừng, P.6, Q.5, TPHCM).

Ngay khi báo chí đăng tải thông tin, ông Nguyễn Minh Hiếu (SN 1967; hộ chiếu số 488387077 do Hoa Kỳ cấp ngày 5/12/2012; chỗ ở nhà số 22 Nguyễn Văn Đừng, P.6, Q.5; nơi ở hiện nay: F11 - Chi nhánh Công ty TNHH MTV An Phú, số 99 đường Lê Văn Việt, P.Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TPHCM) đã chủ động lên Cơ quan điều tra Công an TPHCM làm việc, gửi đơn tường trình và tài liệu liên quan đến vụ việc, đồng thời cho rằng mình bị giả chữ ký, là nạn nhân của vụ việc này.

Đồng thời ông Hiếu cũng gửi đơn tường trình, các tài liệu liên quan đến các cơ quan báo chí đã đăng tin truy tìm ông theo yêu cầu của Cơ quan điều tra.

Theo ông Hiếu, khoảng đầu năm 2017, qua các mối quan hệ, ông gặp bà Vương Bảo Uyên, hai bên có trao đổi về hợp tác làm ăn. Sau đó bà Uyên chủ động đề nghị ông Hiếu tham gia vào Công ty TNHH Đầu tư - Khai thác Hanh Nguyên Lợi (địa chỉ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) với phần góp vốn là 30%, nhưng chỉ trên giấy tờ, thực tế ông Hiếu không góp đồng nào.

Đến năm 2018, nhận thấy việc làm ăn không được rõ ràng nên ông chấm dứt hợp tác và đề nghị bà Uyên thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Đầu tư - Khai thác Hanh Nguyên Lợi, rút ông ra khỏi công ty này. Do bận công việc, ông Hiếu cũng không để ý đến việc bà Uyên đã thay đổi đăng ký kinh doanh hay chưa.

Cuối tháng 1/2019, ông Hiếu phát hiện bà Uyên có dấu hiệu giả chữ ký của mình trong hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, nội dung hợp đồng là ông Hiếu đã nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ hai thành viên là Nguyễn Thành Long và Vương Bảo Uyên, đưa ông Hiếu lên làm đại diện pháp luật của công ty, giả chữ ký của ông Hiếu tại nhiều văn bản thay đổi ĐKKD.

Ngay khi phát hiện vụ việc, ông Hiếu lập tức điện thoại cho bà Uyên yêu cầu chấm dứt hành vi giả mạo chữ ký, đồng thời ông Hiếu đã làm đơn tố cáo gửi Công an quận Bình Thạnh, Công an huyện Bình Chánh, đơn yêu cầu ngăn chặn gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM; Cục Thuế TPHCM...

Sở KHĐT sau đó đã mời ông Hiếu lên làm việc, lập biên bản ghi nhận đơn trình báo ngăn chặn của ông (ngày 26/02/2019). Công an huyện Bình Chánh cũng đã làm việc với ông Hiếu theo đơn tố cáo của ông, lập biên bản làm việc ngày 31/1/2019.

Biên bản làm việc giữa ông Hiếu và Sở KHĐT TPHCM, sau khi ông phát hiện vụ việc giả mạo chữ ký của mình và chủ động gửi đơn tố cáo, ngăn chặn đến Sở KHĐT và các cơ quan chức năng liên quan

Ngày 9/7/2020, người quen của ông Hiếu đọc báo thấy thông tin Cơ quan điều tra Công an TPHCM truy tìm ông, ông Hiếu đã chủ động đến Cơ quan điều tra trình bày sự việc, cung cấp các tài liệu liên quan.

Cũng theo ông Hiếu, thời gian qua, do phải làm việc tại Khu công nghệ cao quận 9, nên ông ở luôn tại chi nhánh Công ty An Phú (P.Tăng Nhơn Phú A, quận 9). Do sơ suất ông chưa báo lại cho Công an phường 6, quận 5 về việc ông tạm thời ở tại P.Tăng Nhơn Phú, quận 9, dẫn đến việc ông không nhận được giấy mời của Cơ quan điều tra.

Ông Hiếu cho biết thêm, ông không hề gặp lại bà Uyên từ khi không hợp tác kinh doanh và hoàn toàn không biết bà Uyên đã làm gì, ở đâu. Đến đầu năm 2019, Công ty TNHH khắc dấu Thành Công (địa chỉ 143 Nguyễn Trãi, Q.1) do bà Tạ Xuân Lựu làm Giám đốc, là người quen với ông Hiếu, tiếp khách hàng là Công ty TNHH Đầu tư - Khai thác Hanh Nguyên Lợi, có giấy ủy quyền của ông Nguyễn Minh Hiếu đến khắc dấu tại cơ sở của bà Lựu, với hồ sơ pháp nhân ông Nguyễn Minh Hiếu là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư - Khai thác Hanh Nguyên Lợi.

Nghi ngờ có sự giả mạo, bà Lựu đã báo cho ông Hiếu biết sự việc. Ngay lập tức ông Hiếu đã làm đơn trình báo gửi Công an và các cơ quan chức năng về vụ việc này. Ông Hiếu khẳng định không ký bất cứ một văn bản, giấy tờ gì, không liên quan đến hoạt động của Công ty Hanh Nguyên Lợi, cũng không liên quan đến hành vi của bà Vương Bảo Uyên.

Ông Hiếu cũng đề nghị Cơ quan điều tra sớm làm rõ vụ việc, để không ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và công việc làm ăn của ông. Còn nếu ông có bất cứ vi phạm gì thì xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Mai Uyên

HLV Bình Dương tố VPF 'mờ ám', thiên vị Hà Nội FC

HLV Nguyễn Thanh Sơn cho rằng VPF đã 'ép' Bình Dương vào thế khó, nhưng lại thiên vị Hà Nội FC.

Mới đây, VPF đã quyết định hoãn V.League 2020 vô thời hạn vì lo ngại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển động với các trận đấu thuộc vòng tứ kết Cup Quốc gia 2020.

Vòng tứ kết Cúp Quốc gia sẽ diễn ra vào các ngày 1, 2/8 với các cặp trận CLB Hà Nội - XSKT Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu - CLB TP Hồ Chí Minh, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - Than Quảng Ninh và CLB Viettel - Becamex Bình Dương.

Nêu ý kiến về cách sắp xếp lịch đá Cup Quốc Gia, HLV Nguyễn Thanh Sơn cho rằng VPF đang gây bất lợi cho Becamex Bình Dương, nhưng lại ưu ái bằng cách lùi lịch cho Hà Nội FC của Bầu Hiển.

HLV Thanh Sơn cho rằng VPF 'xử ép' Bình Dương.

HLV Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: "4 giờ sáng nay toàn đội Bình Dương mới về đến đại bản doanh. Toàn đội rất mệt, nhưng mệt hơn là nhận thông tin việc lịch đá tứ kết Cúp quốc gia của chúng tôi vốn là ngày 2/8 nhưng BTC sửa lại đá 1/8.

Thật vô lý vì lịch ban đầu Hà Nội sẽ đá ngày 31/7 trong khi Bình Dương đá ngày 2/8. Vậy mà khi công bố ra chúng tôi từ xa bay đến phải đá trước trong khi Hà Nội thủng thẳng ở thủ đô được đá sau. Tại sao không giữ nguyên trận Viettel- Bình Dương ngày 2/8 còn trận Hà Nội - Cần Thơ lịch cũ 31/7 thì đá 1/8 cũng hợp lý sau lại đẩy lùi ra sau và “ép” chúng tôi đá trước" - theo Thanh Niên.

Thuyền trưởng CLB Bình Dương đặt vấn đề tại sao Hà Nội không cần di chuyển và chỉ gặp đội Hạng Nhất là Cần Thơ được dời lịch đá trễ, còn đội bóng đất Thủ phải đá sớm hơn. Ông Sơn đưa ra nghi vấn "Hay có ai sợ chúng tôi ra Hà Nội khỏe quá nên cho đá sớm?".

Đại diện Bình Dương cho rằng VPF nên quyết định hoãn Cup Quốc gia bởi các đội bóng không không có tâm trí đá bóng ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, hoãn giải cũng giúp CLB không phải trả lương cho ngoại binh.

Covid-19: Chả có gì toang ở đây cả, ngay mai chúng ta sẽ ổn

Khoai@

Khi Covid-19 quay lại qua sự kiện Đà Nẵng, những con số lây nhiễm tăng vọt và lan rộng, nhiều bạn đã nói: Toang rồi., thế là toang thật rồi.

Xin nói rõ, không có gì toang hết!

Chả có gì là toang ở đây cả. Hà Nội không toang, Đà Nẵng không toang, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng không toang. Chúng ta vượt qua lần 1, thì sẽ tiếp tục vượt qua lần 2. Địch thủ vẫn thế, chỉ có từng đấy nguy hiểm. Trong khi đó chúng ta đã hiểu biết hơn, thông thái hơn, cẩn trọng hơn. Lắm võ hơn. Vậy nên, chả có gì phải xoắn. Mọi thứ sẽ ổn thoả.

Xét cho cùng thì thời gian qua chúng ta cảm giác bình yên là vì đã có chính phủ, bộ đội, công an, bác sĩ, các bộ ngành, địa phương đang gánh vác cho các bạn. 

Hơn nữa, cũng chính các bạn đã có những đóng góp cho xã hội bằng cách tuân thủ các quy định của chính phủ, của chính quyền, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế, rồi trách nhiệm với cộng đồng hơn. Chính các bạn đã đóng góp công sức, trí tuệ cho đất nước để góp phần đẩy lùi Covid-19 và các bạn cũng nhắc nhở, động viên gia đình, bạn bè làm điều tương tự. Chính các bạn đã nói không với Fake news và tấn công tiêu diệt nó bằng cách phát hiện và "đào tận gốc, trốc tận rễ'.

... Bình yên từ đó mà có. 

Hôm nay, Covid-19 đã quay lại chỉ vì sơ suất bất cẩn của một số người, hãy ngừng đổ lỗi, hãy coi đó là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân và chung tay làm lại. Covid-19 vẫn thế dù có đột biến nhưng hãy cứ bình tĩnh, thận trọng và quyết liệt. Đừng gieo rắc những sự hoang mang lo sợ, đừng kỳ thị, miệt thị đồng bào. 

Xin nhắc lại, hãy tuân thủ quy định của chính phủ, làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hãy nói không với tin giả, hãy trách nhiệm với bản thân và cộng đồng... Sáng mai ngủ dậy chúng ta sẽ ổn.

Syria - Sự thao túng của giới truyền thông Đức vẫn tiếp tục


Đó là tên bài báo của trang mạng NachDenkSeiten đăng ngày 20-7-2020. 

Tác giả: nhà báo Tobias Riegel.

Tên bài trong nguyên bản: Syrien - Die Manipulation durch die Medien geht weiter. Dưới đây là toàn bộ bài viết do tôi chuyển ngữ:

Lời dẫn: Các thông tin về cuộc bầu cử quốc hội ở Syria đã bị rút ngắn và xuyên tạc. Trong việc tiến hành bỏ phiếu chắc chắn là có thiếu sót. Nhưng ai chịu trách nhiệm cho chiến tranh và nạn đói vẫn phải được nêu rõ. Nhiều biên tập viên vẫn từ chối làm điều này.

Cuộc bầu cử quốc hội vừa diễn ra ở Syria và kết quả được chờ đợi vào hôm thứ Ba. Tuy nhiên, đối với nhiều phương tiện truyền thông lớn của Đức, kết quả này đã chắc chắn: "Kẻ thống trị" Baschar al-Assad sẽ củng cố quyền lực của mình thông qua "trò hề". Và điều này nữa, mặc dù Assad qua đàn áp còn chịu trách nhiệm cho một "cuộc nội chiến", ông ta còn "trấn áp một cách tàn bạo" nó cùng với Nga. Lời chỉ trích về một số chi tiết trong việc thực hiện cuộc bầu cử và lựa chọn nghiêm ngặt các ứng cử viên có thể đúng một phần. Nhưng câu hỏi tại sao Syria vẫn ở trong tình trạng chiến tranh khủng khiếp, ai đã bắt đầu cuộc chiến này và giữ cho nó tồn tại trong chín năm qua, đều được né tránh nếu có thể - nếu như không chỉ trả lời sai. Điều tương tự cũng áp dụng cho các câu hỏi tại sao nền kinh tế Syria suy sụp và các biện pháp trừng phạt của phương Tây có liên quan gì với nó. Ngoài ra, không có so sánh với các quốc gia cũng "có bầu cử" được thực hiện trong thời gian có chiến tranh hoặc trong thời gian ngay sau khi chiến tranh bùng nổ, nơi mà sự thay đổi chế độ được phương Tây ủng hộ, ví dụ Afghanistan, Iraq hoặc Libya.

Xin đừng hỏi về chiến tranh, các biện pháp trừng phạt, Hồi giáo

Để tránh những câu hỏi khó chịu về trách nhiệm của phương Tây và các đồng minh (bao gồm cả nhiều phương tiện truyền thông) đối với cuộc chiến chống lại chính phủ Syria, câu chuyện trong các bản tin về bầu cử nhiều rất nhiều lần bị rút ngắn kinh khủng và qua đó bị xuyên tạc một cách không thể chấp nhận được. Khi mô tả hậu quả của chiến tranh và nỗi đau khổ là trở ngại cho một một cuộc bầu cử công bằng, người ta phải hỏi: Từ đâu mà có sự đói nghèo và những đống đổ nát, những thứ đã tạo nên dấu ấn của cuộc sống hàng ngày đối với nhiều công dân Syria? Nếu người ta từ chối bất kỳ sự hợp pháp hóa chính trị nào đối với ông Assad trong tư cách là một "người nắm quyền", thì tại sao các phương tiện truyền thông lớn của phương Tây không còn đề cập đến những lực lượng chính trị, loại mà họ đã tâng bốc lên là "phe đối lập" trong chín năm qua? Có phải những "phiến quân" hồi giáo có vũ trang này về phương diện đạo đức và chính trị xứng đáng là người để nắm quyền lực ở Syria? Có phải những "phiến quân" này đã tổ chức các cuộc bầu cử trong "thành trì" của họ và đã đáp ứng được các tiêu chuẩn bây giờ được yêu cầu? Người ta có thể không gọi sự phục hồi Syria như tình trạng trước chiến tranh (với ông Assad) là biểu tượng cho sự thất bại của nỗ lực phi pháp nhằm thay đổi chế độ? Những câu hỏi này không phải nhằm vào mục đích xí xóa những thâm hụt của cuộc bầu cử, nhưng chúng phải được đặt ra trong bối cảnh.

Nhưng những câu hỏi này không được đặt ra trên các phương tiện truyền thông lớn của Đức, cả truyền thông tư nhân lẫn nhà nước. Thí dụ, đài truyền hình ZDF (kênh số 2 hệ thống truyền hình trung ương Đức – HNT) đưa tin như sau:

„Chiến tranh hoành hành ở Syria từ hơn chín năm nay. (…) Giữa sự hỗn loạn này và trong một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, một Quốc hội mới được bầu. (…) Các nhà phê bình nói về một trò hề. Đặc biệt là với sự giúp đỡ của Nga, Assad đã tăng cường kiểm soát Syria một lần nữa.“

Điều gì đã dẫn đến chiến tranh? Các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của phương Tây có liên quan gì đến cuộc khủng hoảng kinh tế đã đề cập? Đài ZDF sẽ thích hơn, nếu "phiến quân" Hồi giáo tiếp tục giữ quyền kiểm soát các bộ phận của Syria? Không có câu trả lời cho điều này trong bài báo. Thay vào đó, người ta nói rằng: "Đối với hầu hết các ứng cử viên, chỉ một mình nước ngoài là kẻ có tội lỗi vì mang lại chiến tranh, khốn khổ và trừng phạt kinh tế." Đài truyền hình ZDF có muốn phản bác quan điểm này không?

Trong chương trình „Các chủ đề trong ngày“, đài truyền hình ARD (kênh số 1 hệ thống truyền hình trung ương Đức – HNT) đã rút ngắn triệt để, kể từ phút 9:41. Vào thời điểm, sau khi ông Assad nhậm chức, "không tồn tại lâu" niềm hy vọng rằng đất nước sẽ "mở cửa về chính trị và kinh tế hoặc thậm chí tiến tới dân chủ". Tội lỗi chiến tranh cũng được chỉ định rõ ràng ở đây, nó nằm ở ông Assad:

"Tuy nhiên, sau mùa xuân ngắn ngủi của Damascus, Assad con (ý nói là người con trai của cố Tổng Hafiz al-Assad - HNT) cũng cai trị bằng một nắm đấm sắt, đã có hành động tàn bạo chống lại các đối thủ chính trị - tiếp theo là cuộc nội chiến tàn khốc đã diễn ra trong chín năm."

Dù sao, thì một nữ công dân Syria được trích dẫn được phép đề cập đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong bản tin.

"Ông Assad có uống thuốc an thần Valium không?"

Tờ "Frankfurter Rundschau" trình bày kịch liệt hơn: Chiến tranh là một "cuộc nổi dậy của nhân dân", Assad là một "nhà độc tài ", Chính phủ là một "chế độ nhà nước", việc cung cấp viện trợ được sử dụng "như một phương tiện để gây áp lực lên chính người dân của mình". Điều đó chưa ăn thua, ví dụ như tờ "Weser Courier", địa chỉ truyền thông này đã loại bỏ tất cả các mối ràng buộc của sự nghiêm túc cho nhận xét của mình:

"Làm thế nào một người như ông ta (Assad) có thể ngủ ngon vào ban đêm mà không bị ám ảnh bởi nhiều đồng bào đã chết, những đứa trẻ mà ông ta đầu độc bằng vũ khí hóa học, những thành phố ông ta đã phá hủy bằng cách cho ném bom? Có lẽ ông ta có uống thuốc an thần Valium, ai mà biết được? "

Nếu so sánh với các bài báo trên, thì một bản tin hiện tại của Đài phát thanh Đức "Deutschlandfunk" gần như có thể chịu đựng được. Ở đó, lịch sử của cuộc chiến chống Syria cũng bị bóp méo mạnh mẽ, nhưng ít nhất các lệnh trừng phạt của phương Tây đã được đề cập và "phiến quân" Hồi giáo có vũ trang không còn được ca ngợi là "phe đối lập".

Còn tác giả Karin Leukefeld thông tin một cách cân bằng trên tờ Thế giới trẻ "Junge Welt"':

“Các nhà bình luận của phương Tây và các nhân vật đối lập Syria, kể từ năm 2011, đã gọi mỗi lần bầu cử trong nước này là trò hề, chỉ nhằm mục đích trao cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad một "nước sơn bề ngoài mang tính dân chủ", như hãng tin Đức dpa viết trong một bản tin phát tán vào ngày 8 tháng Năm. Ở phần lớn lãnh thổ của Syria, người ta nhìn nhận điều đó khác hẳn."

"Phương Tây có tội lỗi"

Truyền thông lớn của Đức một lần nữa phủ nhận nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến chống Syria. Cần phải chỉ ra một lần nữa câu thành ngữ "sau vụ việc người ta luôn khôn ngoan hơn", nhưng nó không được áp dụng trong trường hợp của Syria. Từ năm 2013, đã có cơ hội để thông minh hơn và đã được mô tả rõ ràng tình hình trên một phương tiện lớn của Đức, như giáo sư luật hình sự Reinhard Merkel đã viết trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung:

"Cái giá của một cuộc cách mạng dân chủ được phép cao như thế nào? Tại Syria, Châu Âu và Hoa Kỳ là thủ phạm đã gây ra một thảm họa. Không có lời biện minh cho cuộc nội chiến này. Phương Tây có tội lỗi."

Ảnh minh họa: ART production / Shutterstock
Nguồn tin và ảnh:

Hà Nội khuyến cáo người dân tạm dừng tham quan, du lịch đến vùng có dịch

Sở Du Lịch Hà Nội có văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội nghiêm túc triển khai các nội dung dưới đây:

- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin chi đạo của các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chấp hành, tuần thủ các quy định của Chỉnh phủ, Bộ Y tế và Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Tuyên truyền, khuyến cáo người dân không đi du lịch đến vùng có dịch, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng khi có tình huống phát sinh đối với khách du lịch.

- Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho khách hàng và người lao động, tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về việc đảm bảo phòng, chống lây nhiễm COVID-19.
- Các khu, điểm tham quan du lịch chủ động, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành điều phối các đoàn khách tham quan, tránh tập trung số lượng đông tại cùng một thời điểm.

- Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của khách du lịch. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh cần chủ động phối hợp với các cơ sở y tế địa phương thực hiện cách ly theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, Sở Du lịch yêu cầu tạm dừng tổ chức các chương trình đến những địa phương đang có dịch. Các doanh nghiệp đang thực hiện chương trình du lịch thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch cho nhân viên và du khách; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của khách du lịch trong và sau khi kết thúc hành trình.

Ngoài ra, Sở yêu cầu các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú khẩn trương khai báo y tế, báo cáo tình hình các đoàn khách du lịch đã đến hoặc đi qua các vùng dịch trong thời gian từ ngày 8/7 đến nay; lập danh sách các nhân viên, hướng dẫn viên đã tiếp xúc với các đoàn khách du lịch để có biện pháp hỗ trợ y tế kịp thời; thống kê tình trạng hủy tour, hủy dịch vụ du lịch do ảnh hưởng của dịch, đề xuất, kiến nghị của đơn vị để Sở Du lịch xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Các cơ sở lưu trú du lịch đã được thành phố phê duyệt làm khu cách ly tập trung cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định, không để lây nhiễm chéo dịch trong cơ sở lưu trú và ra cộng đồng...

Minh Tú

Trước khi bị phạt 7,5 triệu đồng vì đưa tin COVID-19 sai, Hòa Minzy nhiều lần bị 'ném đá'

Trước hành động chia sẻ thông tin giả mạo về dịch COVID, Hòa Minzy từng có nhiều lần "lỡ miệng" khiến dân mạng chỉ trích gay gắt.


Vừa qua, trên tài khoản Instagram của mình, Hòa Minzy chia sẻ một phát ngôn tự cho là của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo người dân hạn chế đi du lịch giữa thời điểm này vì có thể tuần sau số ca mắc COVID-19 có thể chuyển từ 75 lên 100-500 ca. Tuy nhiên Bộ Y tế đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này và khẳng định đây là tin giả mạo.

Sau nhiều lời chỉ trích gay gắt từ công chúng, Hòa Minzy lập tức xóa bài và trả lời chính thức trên trang cá nhân: “Dù không phải người viết ra những dòng fake news này nhưng chính Hoà cũng là người đã share bức ảnh đó. Tuy nhiên cũng đã gỡ kịp thời ngay sau khi đọc được các thông báo đính chính từ VTV ! Với vị trí là một nghệ sĩ, Hoà nghĩ mình thật sự đã bất cẩn và giờ cần có trách nhiệm đưa ra lại thông tin chính xác cho người đọc ! Hãy cùng Hoà Minzy chọn lọc thông tin chính xác hơn từ các cổng thông tin điện tử của Chính phủ cả nhà nhé”.

Thời điểm hiện tại, Hòa Minzy là một trong số nghệ sĩ có lượng fan lớn. Tuy nhiên, cô nhiều lần khiến khán giả thất vọng trước những hành động, lời nói bộc phát của bản thân. Được biết, đây không lần đầu khán giả chứng kiến Hòa Minzy xin lỗi công chúng về hành động của mình.

Trong lễ trao giải Soribada Best K-Music Awards 2018, giọng ca sinh năm 1995 bị chỉ trích tự ý dùng thẻ BTC di chuyển trong khu vực nghệ sĩ để gặp được thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc BTS. 

Ngay sau khi bị người hâm mộ từ trong và ngoài nước đồng loạt lên tiếng chỉ trích gay gắt, Hòa Minzy phải nhận lỗi về hành động thiếu suy nghĩ của mình. 

Không lâu sau đó, dân mạng đồng loạt gọi tên Hòa Minzy với scandal bất lịch sự với khán giả. Cụ thể, khi chia sẻ đoạn chat trên trang cá nhân, nữ ca sĩ sử dụng cách xưng hô "Mày - tao" không lịch sự khiến khán giả vô cùng thất vọng.

Tiếp đến, Hòa Minzy lần nữa bị chú ý khi có thái độ kém tôn trọng đàn chị trong đám cưới của Võ Hạ Trâm. Cụ thể, Hòa Minzy đã nói: "Cô dâu ơi, em đã nói dối với chị là em không đến nhưng thực ra em vẫn đến. Nhưng thực ra cũng không phải nói dối vì em đi làm về sớm nên em quyết định đến đây...Bộ trang phục này là bộ trang phục em mới đi quay hình chứ không phải dành riêng cho chị hôm nay. Chị cũng đừng quá vui vẻ và hạnh phúc khi em quá xinh đẹp khi đến đây". Có thể dễ dàng nhận thấy đây chỉ là lời đùa với đàn chị thân thiết nhưng cách đùa kém tinh tế của Hòa Minzy trong ngày trọng đại của Võ Hạ Trâm bị chỉ trích là không tôn trọng đàn chị. 

Gần đây nhất, sự việc chia sẻ thông tin sai lệch về phát ngôn của phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm cô nhận không ít lời chỉ trích, dân mạng yêu cầu xử phạt Hòa Minzy trước hành động lan truyền thông tin gây ảnh hưởng tới nhiều cá nhân và cộng đồng. Và ngay trong chiều ngày 29/7, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, ca sỹ Hòa Minzy đã chủ động liên hệ với Thanh tra Sở này để nhận lỗi về hành vi đăng thông tin giả, không kiểm chứng. Theo ông Thọ, Thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt ca sĩ Hòa Minzy 7,5 triệu đồng về hành vi trên. Ngày 30/7, Thanh tra Sở có buổi làm việc với ca sỹ Hòa Minzy và công bố quyết định xử phạt.

Hòa Minzy là ca sĩ đình đám trong làng Vpop. Sở hữu chất giọng nội lực cùng khướu hài hước ấn tượng, hình ảnh Hòa Minzy cùng gia đình Hoa Dâm Bụt đang được nhiều khán giả hâm mộ. Sau thành công từ quán quân chương trình "Học viện ngôi sao", Hòa Minzy tự tạo dấu ấn trong lòng khán giả bằng loạt bản hit "Không thể cùng nhau suốt kiếp, rời bỏ, điều buồn nhất khi yêu,..". Tuy nhiên bên cạnh tài năng cùng tính cách nhí nhảnh hồn nhiên, khán giả hi vọng sẽ nhìn thấy hình ảnh Hòa Minzy trưởng thành, chín chắn hơn để không gây ra nhiều sự việc đáng tiếc.

Đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh​​​​​​​ - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

(HNM) - Đổi mới nội dung, phương thức công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là vấn đề được quan tâm hiện nay. Tại hội thảo khoa học “Công tác tuyên giáo của Đảng - 90 năm chặng đường vẻ vang thành tựu và tầm nhìn” tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đã có bài tham luận về vấn đề này. Báo Hànộimới trích đăng ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh tại hội thảo nói trên.

1. Trong chiến lược tuyên truyền chống phá nước ta, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước tập trung rêu rao rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, vô giá trị khi vận dụng vào Việt Nam, vì ngay từ đầu các nhà kinh điển không dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học đầy đủ. Từ đó, các đối tượng này phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh với lập luận, đây là hệ thống tư tưởng vận dụng toàn diện chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, thì nay “gốc” đã đổ, ắt “ngọn” phải đổ theo; tiến tới đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phi chính trị hóa quân đội...

Điểm mới đáng chú ý là, các thế lực thù địch đã có cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo hơn, thiên về sử dụng các bài viết, tài liệu tuyên truyền giả hiệu khoa học, trong đó sử dụng tinh vi thuật ngụy biện và logic hình thức để thuyết phục đối tượng tiếp nhận. Bên cạnh đó, chúng kiên trì thực hiện thủ đoạn thông qua lĩnh vực thông tin, truyền thông, văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, giáo dục - đào tạo để tô vẽ, quảng bá cho cái gọi là “giá trị dân chủ” của phương Tây, đặc biệt là đối với lớp trẻ. Đồng thời, tiếp tục lợi dụng những sự kiện, diễn biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là vụ việc nổi cộm để dựng lên bức tranh đen tối, mù mịt về tương lai đất nước, hòng từng bước cô lập, tách các tổ chức Đảng và đảng viên ra khỏi quần chúng. Từ đó tổ chức, kêu gọi, lôi kéo một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin, hạn chế hiểu biết tham gia tụ tập, gây mất an ninh, trật tự.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “góp gió thành bão”, “thay đổi thường xuyên, liên tục”, với mật độ thông tin đặc biệt lớn đã tạo ra những tác động nguy hiểm đối với nhận thức, thái độ và hành vi của không ít người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên.

Về phương thức tổ chức lực lượng, chúng ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, sử dụng ngòi nổ là các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” nhằm liên kết các phần tử chống đối, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước, tổ chức các hội, nhóm núp bóng “xã hội dân sự” để tổ chức các hoạt động chống phá...

Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch, thời gian qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực có thể thấy, công tác nghiên cứu lý luận, công tác tư tưởng, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống…, đặc biệt là cho thế hệ trẻ chưa theo kịp tình hình. Đáng lưu ý là sự phối hợp tổng thể các phương thức phù hợp trong đấu tranh vẫn là khâu yếu, trong đó một số phương thức mới triển khai trong hoạt động thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

2. Thời gian tới, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới được dự báo sẽ tiếp tục chuyển biến mau lẹ, khó lường, bao hàm những thuận lợi, thời cơ lớn cùng những nguy cơ, thách thức gay gắt. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục chống phá ngày càng quyết liệt với những âm mưu, phương thức ngày càng tinh vi, trong đó trọng tâm trước mắt chúng hướng tới là đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, công tác phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu, thông qua tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần đổi mới theo hướng kịp thời, sắc bén, thuyết phục, hiệu quả hơn. Để đạt được mục tiêu nói trên đòi hỏi cần triển khai đồng bộ những giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, nhất là người đứng đầu, của từng đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là giải pháp cần tiến hành thường xuyên, liên tục, trong đó, cấp ủy Đảng các cấp phải thực sự coi trọng xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối, quy định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là quy định về kỷ luật phát ngôn, bảo vệ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền thông tin sai lệch hoặc có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động...

Thứ hai, tập trung xây dựng, tổ chức lực lượng chuyên gia chuyên trách, cộng tác viên tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong bảo vệ các tiếng nói đấu tranh. Công tác dự báo tình hình cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả để phân tích chính xác âm mưu, thực trạng, từ đó có những đối sách thích hợp, hiệu quả.

Thứ ba, chú trọng nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục của các bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, chú ý tăng cường kết nối hiệu quả hơn nữa mạng lưới các cơ quan báo chí, truyền thông, các trang web, blog, tài khoản mạng xã hội để lan tỏa rộng rãi thông tin tích cực, các bài viết, các hoạt động đấu tranh có chất lượng và tính thuyết phục cao.

Thứ tư, khẩn trương rà soát, xây dựng bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả.

… Các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải được xây dựng trên cơ sở quán triệt phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Trong đó lấy “xây” làm trụ cột nhằm hướng đến kết quả đấu tranh trong cả ngắn hạn và dài hạn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, phù hợp từng hoàn cảnh và đối tượng cụ thể, trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(Còn nữa)

Tin mới vụ ám sát Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, Mỹ tuyên bố hỗ trợ điều tra

Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi. Ảnh: AP TPO - Bộ Nội vụ Iraq ngày 7/11 cho biết âm mưu ám sát nhằm vào Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi liên quan ...